Bài viết chuyên môn của PGS. TS Nghiêm Đức Thuận
Viêm VA là một trong những bệnh lý tai mũi họng phổ biến nhất với biểu hiện nghẹt mũi, khó chịu, khiến cơ thể mệt mỏi, biếng ăn… Viêm VA có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ nhỏ cao hơn. Viêm VA nếu không được điều trị có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Viêm VA là bệnh gì?
Trong họng có nhiều tổ chức lympho nằm rải rác khắp niêm mạc và có những hạch lympho lớn tập trung thành từng khối ở họng (gọi là amidan) tạo nên vòng Waldeyer (xem hình dưới). Trong đó, khối amidan vòm (gọi tắt là VA) chỉ dày khoảng 4-5mm, thường phát triển mạnh từ khoảng 6 tháng tuổi đến khoảng 6 tuổi, sau đó teo dần và sẽ teo hết ở tuổi trưởng thành – rất ít trường hợp còn tồn tại VA sau tuổi dậy thì. Khi VA quá phát thành khối sùi vòm mũi họng sẽ gây cản trở việc lưu thông không khí qua đường mũi.
Viêm VA cấp tính là tình trạng xung huyết, xuất tiết dịch hoặc có mủ ở amidan vòm mũi họng, hay gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3-4 tuổi, cũng có thể gặp ở trẻ lớn hơn (nhưng rất hiếm).
Viêm VA mãn tính là do tình trạng tái phát cấp tính nhiều lần dẫn đến VA bị quá phát hoặc viêm xơ teo, xuất tiết dịch kéo dài.
Nguyên nhân
Trẻ có sức đề kháng suy giảm, suy dinh dưỡng, còi xương, sinh thiếu tháng, cơ địa dị ứng thường dễ bị viêm VA. Ngoài ra, trẻ sống trong môi trường không thuận lợi như: thời tiết khắc nhiệt, khói thuốc lá, bụi khói, vệ sinh răng miệng kém… cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Triệu chứng
Viêm VA cấp tính
- Sốt cao đột ngột 38,5-40 độ C, có thể kèm theo hiện tượng co giật. Toàn thân li bì, thở nhanh, nhịp không đều, biếng ăn, bỏ bú, quấy khóc, hơi thở có mùi hôi, có thể nôn trớ, tiêu chảy…
- Ngạt mũi, chảy dịch mũi, ho khan
- Đối với trẻ lớn hơn, có thể có tình trạng ù tai, nghe kém
Viêm VA mãn tính
- Sốt vặt, phát triển chậm, ăn uống kém, người gầy, da xanh. Hay gặp triệu chứng rối loạn nhịp thở khi ngủ, nếu nặng có thể gặp cơn ngưng thở khi ngủ và các di chứng liên quan như: khó ngủ, ngủ hay giật mình, nghiến răng, đái dầm về đêm, các bệnh tim, phổi, suy giảm trí nhớ, tăng động, thiếu tập trung…
- Ngạt mũi, chảy dịch mũi, ho khan
- Đối với trẻ lớn hơn, có thể có tình trạng ù tai, nghe kém
- Rối loại sự phát triển của xương sọ do ngạt mũi kéo dài, phải thở bằng miệng, thiếu oxy mãn tính: mũi tẹt, trán dô, lệch khớp cắn, răng cửa hàm trên vẩu, răng hàm khấp khểnh, hàm dưới hẹp, miệng luôn tình trạng há ra để thở
Biến chứng
Viêm thanh-khí-phế quản, viêm tai giữa, rối loạn tiêu hoá, viêm hạch thành sau họng gây áp xe (hạch Gillette), thấp khớp cấp, viêm cầu thận cấp, viêm ổ mắt, ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể, luôn mệt mỏi, buồn ngủ, giảm tập trung…
Điều trị
Đối với viêm cấp tính hoặc đợt cấp của viêm mạn tính, điều trị kết hợp giữa tại chỗ (rửa mũi, khí dung, rỏ mũi…) và toàn thân, phòng biến chứng. Có thể phẫu thuật nếu cần thiết và chỉ thực hiện sau khi điều trị nội khoa đợt cấp đã ổn định.
Phòng bệnh
- Nâng cao sức đề kháng của trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, sử dụng các thuốc tăng cường miễn dịch đối với trẻ có sức khỏe yếu, suy dinh dưỡng.
- Phòng tránh lây lan trong các vụ dịch truyền nhiễm theo đường hô hấp, vệ sinh mũi, họng, răng, miệng thường xuyên.
- Giữ ấm khi thời tiết thay đổi.
- Khi có biểu hiện viêm tai, mũi, họng cần được điều trị đúng và kịp thời tại các cơ sở khám Tai Mũi Họng. Đối với khu vực Hà Đông, có thể kiểm tra và điều trị tại Phòng khám Vạn Phúc Tai Mũi Họng (SĐT: 02436274499 – 0366258668)