Bài viết chuyên môn của PGS. TS Nghiêm Đức Thuận
Tai giữa bao gồm: hòm nhĩ, vòi nhĩ và xương chũm, viêm tai giữa là tình trạng viêm diễn ra ở khu vực này. Viêm tai giữa ở trẻ em diễn biến đa dạng, biểu hiện lâm sàng, hướng điều trị và tiên lượng cũng rất khác với viêm tai giữa ở người lớn.
Tai giữa của trẻ em có gì khác so với người lớn?
- Vòi nhĩ của trẻ em ngắn hơn, nhưng lại rộng bằng người lớn và ở vị trí thấp hơn.
- Lỗ vòi nhĩ của trẻ em ở phía họng mũi luôn mở, trong khi đó của người lớn chỉ mở ra khi nhai, nuốt hoặc ngáp, do vậy dịch viêm từ họng mũi của trẻ em rất dễ chảy vào hòm nhĩ gây viêm tai giữa.
- Cấu trúc xương chũm của trẻ em cũng chưa hoàn chỉnh như người lớn.
Phân loại viêm tai giữa trẻ em
- Viêm tai giữa cấp tính là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở tai giữa diễn ra trong 3 tuần đầu của bệnh.
- Viêm tai giữa ứ dịch diễn ra cấp tính hoặc kéo dài nếu không được điều trị kịp thời. Dịch trong hòm nhĩ có thể là thanh dịch hoặc dịch nhầy, keo, màng nhĩ thường không bị thủng.
- Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng viêm nhiễm ở tai giữa kéo dài trên 3 tháng, gồm 2 loại: viêm tai giữa mạn tính mủ, và viêm tai giữa mạn tính có cholesteatome (đây là loại viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm, thường gây nên các biến chứng nặng).
- Viêm tai giữa dính diễn ra khi màng nhĩ bị mất lớp xơ sợi và bị co kéo dính vào phía trong hòm nhĩ.
Nguyên nhân viêm tai giữa trẻ em
- Viêm VA, viêm mũi họng cấp tính, thường gặp do vi khuẩn và virus.
- Chấn thương tai gây tổn thương màng nhĩ.
- Viêm tai giữa thể ẩn, thể tiềm tàng nhiều khi không rõ nguyên nhân.
Biểu hiện của viêm tai giữa trẻ em
Viêm tai giữa cấp tính mủ
Giai đoạn 1: Khởi phát
Trẻ đang bị chảy dịch mũi, ngạt mũi, đột nhiên mệt mỏi, quấy khóc, biếng ăn, bỏ chơi, sốt ở các mức độ khác nhau, kèm theo đau tai (trẻ sơ sinh thường hay có biểu hiện đưa tay lên sờ tai, hay dụi tai một bên.
Giai đoạn 2: Toàn phát
Khi màng nhĩ chưa vỡ, trẻ sốt cao kéo dài 39-40 độ C, thể trạng mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn, khó ngủ, có thể kèm theo co giật, rối loạn tiêu hóa, đau tai dữ dội, ngày càng tăng, đau sâu trong tai, lan ra một nửa đầu, quấy khóc, bỏ ăn, dùng tay dụi vào tai đau.
Khi màng nhĩ đã vỡ (thường vào ngày thứ 4 của bệnh), tình trạng nhiễm trùng giảm, trẻ hết quấy khóc, đỡ đau tai, đồng thời xuất hiện chảy mủ tai đặc, xanh hoặc vàng, có thể lẫn máu, mùi không thối, lau sạch thấy lỗ thủng màng nhĩ, bờ nham nhở, không sát khung xương.
Viêm tai giữa ứ dịch
Các triệu chứng thường ít, chủ yếu là giảm thính lực, cảm giác đầy tai, ù tai.
Viêm tai giữa mạn tính mủ
Trẻ không sốt, không đau tai, nghe kém với các mức độ khác nhau, có thể thấy ù tai, chảy mủ tai kéo dài hoặc từng đợt, dịch mủ đặc, loãng hoặc giống bã đậu, màu sắc có thể trắng đục, xanh, vàng nhưng không thối.
Viêm tai giữa dính
Trẻ ù tai từng lúc, tiếng trầm, có thể nghe vang trong tai, nghe kém, đau tai khi có các đợt viêm tiến triển trong hòm nhĩ.
Biến chứng của viêm tai giữa trẻ em
Viêm tai giữa cấp tính có thể dẫn tới: viêm mê nhĩ cấp tính, viêm xương đá, viêm tai hoại tử, liệt mặt, xơ nhĩ, giảm thính lực hoặc gây biến chứng nội sọ như: viêm màng não, áp xe não…
Viêm tai giữa mạn tính, nếu không được điều trị triệt để, có thể dẫn đến di chứng điếc.
Điều trị viêm tai giữa trẻ em như thế nào?
Để điều trị viêm tai giữa trẻ em, cần kết hợp điều trị viêm mũi họng với điều trị viêm tai giữa (thuốc điều trị toàn thân và can thiệp tại chỗ như: rửa mũi, khí dung, làm thuốc tai, rỏ tai…), có thể tiến hành thủ thuật phù hợp với màng nhĩ nếu cần thiết.
Phòng bệnh
Đề phòng viêm tai giữa ở trẻ em cần tránh để nước vào tai khi tắm rửa, bơi lội, điều trị triệt để các viêm nhiễm vùng mũi, họng và tránh chấn thương tai.