Bài viết chuyên môn của PGS.TS Nghiêm Đức Thuận
Bệnh ung thư vòm mũi họng là một trong những dạng bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam. Dấu hiệu sớm của bệnh rất mơ hồ, hầu hết là các triệu chứng “mượn” của các cơ quan lân cận như: tai, mũi, xoang, thần kinh, hạch cổ… Bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn, nếu được phát hiện sớm. Để làm được như vậy, người bệnh phải được tầm soát bằng khám nội soi vòm mũi họng định kỳ, đặc biệt là nam giới ở độ tuổi trung niên.
Các yếu tố gây bệnh
- Môi trường: Tình trạng ô nhiễm, khói bụi và thói quen ăn uống…
- Virus Epstein Barr (EBV): Đây là loại virus có sự liên quan đến ung thư vòm mũi họng và một số bệnh lý khác
- Gen di truyền
Bệnh ung thư vòm mũi họng có các dấu hiệu lâm sàng như thế nào?
Giai đoạn sớm
Đau đầu là triệu chứng xuất hiện khá sớm, thường đau nửa đầu, từng cơn hoặc âm ỉ, dùng các thuốc giảm đau ít có tác dụng.
Giai đoạn khu trú
Xuất hiện khối u tại vòm mũi họng, và một số triệu chứng bao gồm:
Đau nửa đầu với chiều hướng gia tăng hoặc đau sâu trong hốc mắt, cảm giác tê bì ở miệng và vùng mặt cùng bên.
Ngạt mũi một bên, cùng với bên đau đầu, lúc đầu ngạt không thường xuyên nhưng về sau ngạt liên tục.
Chảy mũi nhầy lẫn máu ở bên ngạt mũi, đôi khi khịt khạc ra nhầy lẫn máu.
Ù tai, nghe kém, cảm giác như bị nút trong tai, có thể gặp chảy dịch tai cùng bên với bên đau đầu (do khối u chèn vào vòi nhĩ).
Xuất hiện hạch cổ và hạch dưới hàm, điển hình là hạch ở góc hàm, dãy hạch cảnh trên, hạch chắc, ấn không đau, có độ di động hạn chế dần.
Khi nội soi vòm mũi họng có thể phát hiện thấy khối u sùi, loét hoặc thâm nhiễm ở nóc vòm hay thành bên vòm, gờ vòi.
Giai đoạn lan tràn
Khối u phát triển lan tràn ra khỏi vòm mũi họng. Đồng thời, thể trạng toàn thân suy giảm, ăn uống kém, mất ngủ, gầy sút, thiếu máu… Tùy theo hướng lan của khối u, sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau:
- Lan ra phía trước: Ngạt mũi tăng lên, chảy mũi dịch nhầy mủ lẫn máu có mùi hôi, nội soi thấy khối u sùi, sát cửa mũi sau, thường có loét, hoại tử, dễ chảy máu
- Lan ra hai bên: Ù tai, nghe kém một bên rõ rệt, đau trong tai, chảy dịch tai mủ nhầy lẫn máu, có mùi hôi, nội soi tai thấy màng nhĩ thủng, có thể thấy khối u sùi, hoại tử, dễ chảy máu lan vào hòm nhĩ và ra ống tai ngoài
- Lan xuống dưới: Làm ảnh hưởng đến giọng nói (giọng mũi hở), nuốt hay bị sặc, nội soi thấy khối u ở sau màn hầu hoặc trụ sau của amidan khẩu cái
- Lan lên trên: Khối u lan lên nền sọ gây các hội chứng như tăng áp lực nội sọ và các hội chứng tổn thương thần kinh khu trú
Khi nghi ngờ ung thư vòm mũi họng cần làm gì?
- Xét nghiệm tế bào học: Từ quyệt vòm họng hoặc chọc hút hạch cổ (chỉ có ý nghĩa định hướng chẩn đoán)
- Xét nghiệm huyết thanh: Xác định hiệu giá IgA/VCA-EBV hoặc IgA/EA trong huyết thanh (xét nghiệm chỉ có giá trị tầm soát)
- Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Chụp CT, cộng hưởng từ (MRI), PET/CT vùng vòm mũi họng, nền sọ nhằm đánh giá mức độ tổn thương, sự lan rộng của khối u. Ngoài ra, xác định hạch vùng cổ kết hợp chụp xạ hình toàn thân giúp phát hiện sớm tình trạng di căn xa
- Xét nghiệm mô bệnh học: Sinh thiết khối u vòm mũi họng, xét nghiệm mô bệnh học (đây là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán quyết định ung thư vòm mũi họng)
Điều trị bệnh ung thư vòm mũi họng như thế nào?
- Xạ trị: Phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay, đã được sử dụng rộng rãi và đạt hiệu quả điều trị cao, với liều 65-70Gy thời gian điều trị từ 6 đến 7 tuần
- Hóa trị: Phương pháp điều trị kết hợp cần thiết đặc biệt khi hạch cổ đã lan rộng và có di căn xa
- Phẫu thuật nội soi cắt bỏ vòm họng: Áp dụng khi khối u tái phát tại chỗ và phẫu thuật nạo vét hạch cổ trước hoặc sau xạ trị
- Miễn dịch trị liệu: Được áp dụng giúp tăng sức đề kháng cho bệnh nhân và hỗ trợ trong xạ trị
Phòng bệnh ung thư vòm mũi họng như thế nào?
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh hợp lý: giảm mỡ động vật, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi chứa nhiều vitamin C, E…Tránh sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Luyện tâp thể dục, thể thao thường xuyên ở mức độ phù hợp. Tự theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh và khám nội soi vòm mũi họng định kì, tầm soát ung thư vòm mũi họng tại các phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng địa phương, như Phòng khám Vạn Phúc Tai Mũi Họng tại Hà Đông.