Do Tai Mũi Họng là các hốc tự nhiên thông với nhau và thông với bên ngoài, khi phát sinh bệnh lý không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan trên, mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận và toàn thân. Viêm họng sẽ đồng thời gây nên viêm mũi, viêm tai, viêm thanh quản… viêm họng mũi cũng dẫn đến hậu quả là viêm xoang. Vì vậy, việc phát hiện sớm những bệnh lý Tai Mũi Họng phổ biến dưới đây là hết sức quan trọng, giúp điều trị triệt để tổn thương tại chỗ, đồng thời cũng tránh được các biến chứng toàn thân.
Viêm tai giữa
Viêm tai giữa thường được gây ra bởi nhiễm các tác nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn hay vi nấm. Vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất là Streptococcus pneumoniae, nhưng với những người trẻ tuổi, tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là vi khuẩn Haemophilus influenzae.
Các loại virus như: virus hợp bào hô hấp (RSV) và những loại gây ra cảm lạnh thông thường cũng có thể dẫn đến viêm tai giữa bằng cách làm tổn thương đến hệ thống bảo vệ của các tế bào biểu mô đường hô hấp trên.
Viêm tai giữa thường xảy ra ở trẻ em vì liên quan đến cấu tạo giải phẫu của vòi nhĩ đó là vòi nhĩ ngắn, hẹp, và hơi nằm ngang so với người lớn. Vòi nhĩ nối liền tai giữa với vòm họng, nó giúp cho cân bằng áp lực và dẫn lưu dịch tiết trong hòm nhĩ xuống họng. Nếu vòi nhĩ bị tắc sẽ dẫn tới 2 hậu quả: thứ nhất là mất cân bằng áp lực giữa hòm nhĩ và bên ngoài, thứ hai là dịch nhầy bị ứ đọng trong hòm nhĩ và gây nên viêm tai giữa. Viêm tai giữa cấp tính nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi tốt sẽ trở thành viêm tai giữa mạn tính, viêm tai xương chũm mạn tính…
Viêm họng
Viêm họng ở người lớn sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau rát họng, đau toàn thân, sốt, ớn lạnh, nhức đầu. Sung huyết, xuất tiết dịch ở niêm mạc họng, màn hầu, trụ trước, trụ sau amidan, thành sau họng, có thể có giả mạc ở họng và amidan hay sưng hạch vùng góc hàm.
So với người lớn, viêm họng ở trẻ em phổ biến hơn do sức đề kháng của trẻ còn yếu, khả năng đề kháng với các tác nhân gây bệnh chưa cao. Viêm họng thường gặp ở trẻ bao gồm:
Viêm họng cấp tính là tình trạng viêm cấp tính toàn bộ niêm mạc phủ bề mặt của họng. Nguyên nhân của viêm họng cấp tính thường là virus hoặc vi khuẩn. Viêm họng cấp tính thường tự hết sau 5-7 ngày ở trẻ lớn hoặc 1-2 tuần với trẻ nhỏ, hiếm khi để lại biến chứng.
Viêm họng mạn tính là tình trạng viêm lan tỏa hay khu trú (viêm họng hạt) ở họng, rất hay gặp và phối hợp với bệnh viêm mũi xoang mạn tính hay đôi khi với viêm thanh, khí phế quản mạn tính. Bệnh thường kéo dài, không khỏi dứt điểm và có xu hướng tái phát nhiều lần.
Viêm mũi xoang
Viêm mũi xoang là tình trạng viêm niêm mạc mũi và các xoang cạnh mũi, gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm khuẩn, virus, dị ứng, vi nấm…. Tùy theo thời gian diễn biến của bệnh, viêm mũi xoang được chia làm ba thể: cấp tính (diễn biến dưới 4 tuần), bán cấp tính (diễn biến 4-8 tuần), mạn tính (diễn biến 8-12 tuần)
Viêm mũi xoang người lớn là tình trạng tổn thương viêm diễn ra ở niêm mạc mũi xoang với các triệu chứng: đau nhức âm ỉ vùng mặt, ngạt mũi, giảm ngửi, ho, khịt khạc đờm, soi mũi thấy ngách giữa, đôi khi cả ngách trên có mủ, thoái hóa niêm mạc dạng polyp. Người bệnh có thể bị sốt, người mệt mỏi, kém tập trung.
Viêm mũi xoang trẻ em thường hay gặp ở trẻ dưới 6 tuổi, thể trạng gầy yếu, suy dinh dưỡng, hay sốt vặt, cơ địa dị ứng, mắc các bệnh viêm VA, viêm amidan, viêm đường hô hấp trên, điều trị không triệt để dẫn đến viêm mũi xoang.
Viêm amidan
Viêm amidan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở trẻ em. Các triệu chứng bao gồm sốt, đau họng, hai amidan sưng to, xung huyết. Nguyên nhân do virus và vi khuẩn. Hay gặp chủng Streptococcus. Viêm amidan do viêm họng liên cầu khuẩn nếu không được điều trị kịp thời và triệt để dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm cầu thận cấp tính, thấp tim…
Viêm amidan rất dễ chẩn đoán và các triệu chứng thường thuyên giảm trong vòng 7 đến 10 ngày sau điều trị.
Cách phòng và chữa các bệnh lý Tai Mũi Họng thường gặp
Để phòng các bệnh tai mũi họng thường gặp, cần tuân thủ ba nguyên tắc chính: hạn chế sự tấn công của virus, vi khuẩn vào cơ thể, bảo vệ niêm mạc của hầu họng và tăng cường hệ miễn dịch.
Để hạn chế tối đa sự tấn công của virus, vi khuẩn vào cơ thể, cần giữ vệ sinh môi trường sống xung quanh và khử khuẩn đồ dùng sinh hoạt. Bên cạnh đó, luôn luôn rửa tay thật sạch sau khi lao động, trước mỗi bữa ăn và hạn chế chạm tay vào mũi, tai … Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc khử khuẩn tay, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài là điều vô cùng cần thiết.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo thường xuyên nhỏ mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý để bảo vệ niêm mạc của hầu họng khỏi sự tấn công của virus, vi khuẩn, hạn chế sự phát triển của chúng. Ngoài ra, nên duy trì thói quen bổ sung nước cho cơ thể (mỗi ngày nên uống ít nhất 2 lít nước)
Cùng với đó, nhằm tăng cường hệ miễn dịch, nên tích cực tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, kết hợp bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin, chất xơ …Điều quan trọng nhất, khi có các triệu chứng về bệnh Tai Mũi Họng, cần liên lạc và đến khám tại cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng để được hỗ trợ kịp thời. Tại Hà Đông, bạn có thể liên hệ Phòng khám Vạn Phúc Tai Mũi Họng qua số điện thoại 02436274499 hoặc 0366258668, nhắn tin tới trang Facebook phòng khám hoặc đặt lịch khám tại đây.